Hãy biết ước mơ

Hay-biet-uoc-mo

Người Việt trẻ và công thức USB

Nguyễn Thị Huyên Phương – Phụ trách PR Công ty FPT Telecom HCM

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây trong một gia đình công chức, tôi sớm nhận ra điều ba mình nói như một chân lý: “Không học, con sẽ không có gì cả”.

4 năm học ĐH, tôi đã làm không biết bao việc, từ đúng chuyên ngành cho đến không, từ công việc thời thượng cho đến việc chỉ cần sức khỏe. Tốt nghiệp ĐH, tôi quyết định ở lại thành phố, quyết định này không làm gia đình ở quê ngạc nhiên. Có lẽ, ba tôi biết, ông không phải cho tôi thêm một chân lý nào nữa ngoài cái chân lý mộc mạc của thuở xưa đã theo tôi đến tận giờ.

Theo thời gian, cái chữ “học” của ba tôi ngày càng mở rộng. Phổ thông, đại học tôi học kiến thức ở trường để được cái bằng cấp tốt nghiệp. Trong cuộc sống, tôi học được khả năng đương đầu và dám quyết định cũng như dũng cảm trước thất bại hay không tự mãn khi thành công.

Cái chữ “học” ấy cứ tưởng là giáo điều, là “tuyên ngôn” nhưng dễ nhận ra ấy là khát vọng mà thời thơ ấu tôi được ba mình dạy. Theo năm tháng, tôi xem nó là điểm sáng để tôi chọn khi phải quyết định một điều gì đó dù lớn hay nhỏ.

Mang tư tưởng là người ở miền quê lên thành phố, tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác ý thức rõ một điều phải phấn đấu, phải dũng cảm. Dũng cảm với những dự định và những thách thức đang chực chờ mình. Nguy hiểm hay cơ hội, thất bại hay thành công… không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi sẽ học được điều gì.

Nhìn công thức USB, sẽ có người hỏi, tại sao những người trẻ chúng tôi có dũng cảm đối đầu với khó khăn và luôn “đi ngược chiều gió” nhưng lại “ngại” về quê mà chỉ sống ở phố?

Hay, đã có B (brave) thì sao phải cần thêm U (urban)?

Câu trả lời, vì chúng tôi phải còn có S (star) – khát vọng của những người trẻ – học, lựa chọn con đường và biến khát vọng thành điều có thể.

Người Việt trẻ và công thức USB

Phố, mới là nơi có nhiều thử thách – U

“Sẽ không thể tìm được những người đủ tiêu chí mà bạn cần ở quê đâu” – Minh Anh, phụ trách công nghệ thông tin của một công ty hóa chất ở Đà Nẵng nói chắc nịch. “Nếu còn trẻ, học hành tử tế thì chẳng thể tìm được một công việc hài lòng ở những vùng quê hẻo lánh, nói gì đến việc cảm thấy lạc quan về tương lai. Có chăng, chỉ là một số rất nhỏ tình nguyện ở lại phục vụ vùng sâu vùng xa, như tôi ngày trước, nhưng sau đó thì thấy tương lai rất mờ mịt và không có đường phát triển, thế là lại phải xách túi ra thành phố”, Minh Anh tâm sự.

Chàng trai 24 tuổi quê ở Quảng Bình này đang “làm ngày cày đêm” khi phát hiện ra mình quá thiệt thòi trong mọi hoạt động nghề nghiệp chỉ vì không rành ngoại ngữ. “Tất cả là do đã dám nhảy bổ ra thành phố mà cạnh tranh cho biết mình còn kém anh kém em, chứ ngày xưa ở xã, làm trùm về máy tính nhưng mạng miếc thì chập chờn, không làm được gì”. Rồi anh chàng chìa ra cái ví có cắt dán rất cẩn thận câu nói của ngoại trưởng Mỹ Rice trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi: “Nếu được đưa ra một lời khuyên với thanh niên, tôi nghĩ các bạn nên ra nước ngoài học tập nếu có cơ hội. Lời khuyên thứ hai là nên học ngoại ngữ, bởi ngoại ngữ rất quan trọng”. Và Minh Anh ngồi say sưa kể về những dự định tương lai của mình.

Những câu chuyện tương tự có thể bắt gặp ở nhiều, rất nhiều trong lời kể của những người bạn hai-mươi-mấy-tuổi. Họ không phải mê cái phồn hoa náo nhiệt của đô thị, mà thực sự, họ cần một mảnh đất đủ rộng để vẫy vùng, cần một đấu trường nhiều người tài năng hơn để biết mình kém mà còn phấn đấu, cần một môi trường năng động để thử nghiệm và trải nghiệm mọi khả năng của mình.

Can đảm lên và đi về phía những vì sao của mình – S

Câu nói của huyền thoại ngành quảng cáo Leo Burnett được treo trang trọng trên bàn làm việc của Lâm Thị Ngọc Hải, giám đốc một công ty thời trang vừa ra đời tại TP.HCM vốn rất quen thuộc: “Khi bạn vươn tới những ngôi sao, bạn có thể chẳng lấy được ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn, bạn sẽ chẳng trở về với chốn bùn đen”. Hải giải thích: “Tôi tin tưởng tuyệt đối vào điều này. Hạnh phúc của cuộc sống là khi ta có một mục tiêu rõ ràng, một đích đến cụ thể, nhưng phải lớn, đẹp và xa một chút. Và mỗi tuần, có khi là mỗi tháng, ta nhận ra rằng mình đã đi thêm được một đoạn đường nữa, đến gần hơn với biểu tượng của chính mình”. Cô bạn từng tốt nghiệp loại ưu của Trường ĐH Ngoại thương này tự vẽ một ngôi sao, trong đó ghi “Hollywood phải xài thời trang của mình”. Trò chuyện cởi mở, thân tình, cô bảo, phải “mở ngoặc” thêm một tí, là nếu không với tới được Hollywood thì chí ít cũng phải là… Bollywood chứ.

Cùng một cách suy nghĩ đó là Hoàng Nam, vừa trở về từ Úc, đang thử việc tại một công ty thiết kế web, người tự hứa với lòng là một ngày nào đó, anh sẽ là người thiết kế flash giỏi nhất châu Á. Nguyễn Nhật Tâm, tuy vẫn đang còn cọc cạch với vị trí chuyền trưởng một tổ hợp giày da ở quận 7, nhưng vẫn vững tin mình sẽ có ngày trở thành kỹ sư thiết kế máy giải nhiệt cho các khu công nghiệp nóng bức của mình. Chắc chắn, đường đi về phía ngôi sao của họ sẽ rất chông gai, đầy thử thách và cạm bẫy. Nhưng họ đã là những người đủ can đảm để mơ, để khát vọng. Đủ can đảm để nói ra cái ước mơ ấy và bắt đầu dấn thân để thực hiện việc vươn tới ngôi sao của mình mỗi ngày.

Chợt nhớ tới, tại sân trường một đại học của Mỹ có khắc dòng chữ: “Chúng ta sẽ làm gì để thay đổi thế giới?” – và những con người Mỹ đã lớn lên từ những ngôi sao rất đẹp của mình từ ghế nhà trường để trở thành những huyền thoại doanh nhân thế giới như Bill Gates, Larry Page… Chắc chắn, họ chính là những con người can đảm để đi trên con đường chẳng mấy ai đi.

Công thức USB và người bạn nhắc nhở

Những người trẻ Việt thật sự đang sống theo đúng công thức USB mà thế giới vẫn nhắc đến một lối sống năng động, giàu đam mê và đang chạm ngưỡng thành công. Công thức ấy diễn dịch như sau: U – urban – những người sống ở thành phố. S – stars – luôn có những ngôi sao định hướng khát vọng của mình. B – brave – dũng cảm chọn lựa một con đường mới, chông gai hơn, để thực hiện ước mơ của mình. Nhìn lại những người bạn trong cuộc khảo sát, mới thấy họ giống nhau đến lạ kỳ: trong túi ai cũng có 2 vật bất ly thân: điện thoại di động và USB.

(Theo Thanh niên)

NGUỒN: INTERNET