Đời Và Nhạc Trịnh Công Sơn (Phần 9)

Doi-va-nhac-trinh-cong-son-01

Nếu có ai đó nói rằng : Trịnh Công Sơn là một khổ nhục kế, để kéo dài hơi thở văn hoá của một chế độ chính trị đã bị bức tử, thì là lời đại ngôn, duy cảm, nghịch lý, vớ vẩn.

Vớ vẩn như một số lời ca trong tác phẩm Trịnh Công Sơn. Nhưng biết đâu chẳng là sự thực ? Sự thực trong bao nhiêu cái vớ vẩn, kể cả trong lịch sử.

Chế Lan Viên, năm 1984, đã viết : ” Văn hoá của thực dân mới là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới. Quân sự, chính trị thực dân mới có chết, có băng hà thì nó cũng truyền ngôi cho văn hoá “10. Và Chế Lan Viên không phải là người vớ vẩn, viết lách vớ vẩn.

” Không xa đời và cũng không xa mộ người…”

Trịnh Công Sơn đã xa đời lúc 12 giờ 45 tại Sài Gòn, ngày 01.4.2001.

Đám tang ngày 4 tháng tư, nghe nói lớn lắm, hàng trăm tràng hoa ngập con hẻm 47 Duy Tân. Hàng vạn người đưa tiễn, trong đó có thể có người đi tiễn một điều gì khác, một tâm tình hay u hoài nào đó của riêng mình, chẳng hạn.

André Malraux có nói đâu đây rằng ” trong Thiên Chúa Giáo, chỉ có những pho tượng là vô tội “. Trịnh Công Sơn đã sống non nửa sau cuộc đời, trong một chế độ chính trị mà các pho tượng cũng không phải là vô tội.

Những đoá hoa đặt trên mộ Toa, Sơn ơi, không phải là đoá hoa nào cũng vô tội.

Bây giờ moa mới khóc Toa đây. Tại nhà moa, ngồi ở chỗ Toa ưa ngồi vẽ, nhìn dòng sông nhỏ, mà Toa đã gọi là sông An Cựu.

Sơn ơi, đời này, và sang đời khác nữa, làm gì có đến hai dòng sông An Cựu , an cựu, Sơn ơi.

NGUỒN: INTERNET